Bệnh giang mai ở nam giới: Nguyên nhân và biểu hiện bệnh?
Quan hệ không dùng các biện pháp tránh thai an toàn sẽ lây lan các bệnh nhiễm khuẩn sinh dục. Bệnh lây truyền qua đường tình dục rất nhiều như giang mai, lậu, nhiễm nấm cơ quan sinh dục,… Bài viết này Trung tâm sức khỏe sinh sản sẽ giới thiệu về bệnh giang mai ở nam giới để mọi người có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Tóm tắt
Khái niệm bệnh giang mai là gì?
Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu lây lan khi quan hệ, đặc biệt là ở thời kỳ đầu khi có những tổn thương ở bộ phận sinh dục biểu hiện bằng những vết trợt, thường gọi là săng giang mai.
Nguyên nhân gây bệnh?
Vi khuẩn gây bệnh giang mai có hình lò xo xoắn (nên được gọi là xoắn khuẩn) có màu nhạt, phát hiện trên kính hiển vi huỳnh quang có màu đen. Tên khoa học của xoắn khuẩn giang mai là Treponema pallidum, do Schaudinn và Hoffmann phát hiện năm 1905.
Loại xoắn khuẩn này có 6-10 vòng xoắn, đường kính ngang không quá 0,5 micro, dài 6-15 micro. Xoắn khuẩn có 3 loại di động: di động theo trục dọc kiểu vặn đinh ốc, di động qua lại như một quả lắc đồng hồ và di động lượn sóng. Cả 3 loại di động này có thể tồn tại và kéo dài đến 2 ngày ở môi trường ẩm ướt.
Bệnh giang mai lây qua đường nào?
Có 3 đường lây truyền chính là lây truyền qua đường tình dục, lây truyền qua đường máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm kim tiêm không vô khuẩn) và lây truyền từ mẹ sang con (qua rau thai từ tháng thứ 4 trở đi).
Biểu hiện bệnh giang mai ở nam giới?
Bệnh giang mai phát triển theo 4 giai đoạn với các dấu hiệu cụ thể như sau:
Giang mai gia đoạn đầu – Xuất hiện săng giang mai
Sau khi tiếp xúc nguồn bệnh khoảng 3-90 ngày (trung bình là 3 tuần), nam giới sẽ xuất hiện tổn thương da ở các điểm tiếp xúc, thường là ở bộ phận sinh dục như quy đầu, rãnh quy đầu, lỗ sáo, bìu, xung quanh lỗ hậu môn, bên trong lỗ hậu môn, bao quy đầu, bên trong khoang miệng, lưỡi, xung quanh môi.
Tổn thương là một dạng vết loét, nông, hình tròn hay bầu dục kích thước 0,3 đến 3cm, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ nhưng có nhiều dịch.
Những tổn thương này có chứa rất nhiều vi khuẩn nên mức độ lây nhiễm cao nhất. Vết loét thâm nhiễm cứng nhưng không đau, có nổi hạch hai bên vùng bẹn.
Điều nguy hiểm là những tổn thương này không đau, không gây khó chịu làm cho bệnh nhân không chú ý hoặc là cho rằng những tổn thương đó là những vết xước do vệ sinh hoặc do sinh hoạt tình dục thô bạo nên dễ bỏ qua. Các triệu chứng trên có thể tự mất đi sau 3 đến 6 tuần lễ kể cả không điều trị nên nhiều người tưởng lầm là khỏi bệnh nhưng thực sự là vi khuẩn lúc đó đã vào máu, bệnh vẫn tiếp tục phát triển với những biểu hiện khác.
Giang mai giai đoạn 2 – Nổi phát ban
Giai đoạn này bắt đầu vào khoảng thời gian từ 4 đến 10 tuần sau giai đoạn 1 với rất nhiều biểu hiện khác nhau. Ví dụ như nốt ban đối xứng, màu hồng như hoa đào, không ngứa trên toàn thân hoặc tứ chi. Các nốt này có hình dạng như cánh hoa đào (đào ban), ấn vào thì mất, không nổi cao trên mặt da, không bong vảy và tự mất đi. Đào ban xuất hiện dần trong vòng 7-14 ngày, tồn tại không thay đổi trong vòng 7-21 ngày, sau đó nhạt màu dần rồi mất đi.
Một số trường hợp có thể có các mảng sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da và niêm mạc có kích thước khác nhau, không liên kết với nhau, thường hay bong vảy và có viền da ở xung quanh sẩn. Nếu các sẩn có liên kết với nhau sẽ tạo thành các mảng, khi bị trợt ra, chảy nước, trong nước này có chứa rất nhiều xoắn khuẩn nên rất dễ truyền bệnh khi tiếp xúc với người khác.
Các triệu chứng khác thường gặp ở giai đoạn này bao gồm sốt, đau họng, mệt mỏi, sụt cân, đau đầu, nổi hạch. Một số trường hợp hiếm gặp có thể kèm theo viêm gan, thận, viêm khớp, viêm màng xương, viêm dây thần kinh thị giác, viêm màng bồ đào, và viêm giác mạc kẽ. Các triệu chứng này thường tự biến mất sau 3-6 tuần.
Giai đoạn ủ bệnh – Giai đoạn tiềm ẩn
Giang mai tiềm ẩn được xác định khi huyết thanh dương tính nhưng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh được chia làm 2 loại: thời gian tiềm ẩn dưới 1 năm với các triệu chứng tái phát hoặc kéo dài hơn 1 năm không có triệu chứng sau giai đoạn 2.
Giang mai giai đoạn 3
Giang mai giai đoạn này có thể xảy sau sau đó khoảng 3-15 năm với 3 hình thức giang mai thần kinh (6,5%), giang mai tim mạch (10%) và củ giang mai (15%).
- Củ giang mai xuất hiện vào khoảng thời gian 1-46 năm sau khi nhiễm bệnh, Đặc điểm của nó là hình cầu hoặc mặt phẳng không đối xứng, to bằng hạt ngô, có màu đỏ như mận, hơi ngả tím. Các củ giang mai tiến triển không lành tính,sau một thời gian sẽ hoại tử teo hoặc tạo loét, rất chậm lành và thường để lại sẹo.
- Giang mai thần kinh có liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương. Nếu xảy ra sớm nó thường không có triệu chứng. Nếu xảy ra muộn sẽ gây ra viêm màng não, tổn thương khu trú hoặc thoái hóa ở não. Thời điểm phát bệnh rơi vào khoảng 4-25 năm sau khi nhiễm xoắn khuẩn khiến người bệnh bị suy nhược trầm cảm, rối loạn ý thức từng thời kỳ, động kinh, đột quỵ hay gây ra ảo giác đối với người bệnh.
- Giang mai tim mạch với biến chứng hay gặp nhất là phình mạch, thường xuất hiện sau 10-30 năm.
Các biến chứng mà bệnh giang mai lây ra là gì ?
Rối loạn cảm giác:
Người bệnh đau nhức, đau nhói như bị dao cắt, bị giật mạnh hay như bị đốt ở chân, cũng có thể đâu tổng thế từ trên xuống, ở giai đoạn cuối người bệnh đi lại khó khăn.
Rối loạn chức năng co thắt:
Tổn thương đốt thứ 2 -4 ở lưng, ảnh hưởng cảm giác ở bang quang, buồn tiểu mà không có nước tiểu, dẫn đến bí tiểu và tiểu không kiểm soát.
Biểu hiện ở mắt:
Dị thường ở đồng tử mắt, đồng tử nhỏ hẹp, không bình thường, mất phản xạ ánh sáng, nhưng vẫn tồn tại phản xạ điều tiết. Đại đa phần cơ mắt tê bì, mí mắt không đồng, thần kinh thị giác bị tổn hại.
Bệnh khớp:
Viêm khớp xương, các khớp không ngừng bị tổn hại dẫn đến cấu trúc xương bị tổn hại, gây thoát vị và gãy xương.
Nguy hiểm ở nội tạng:
Đau bụng trên, lồng ngực co thắt, kèm theo nôn ói, kiệt sức và đau da bụng, ỉa chảy. Cổ họng và thanh quản xuất hiện triệu chứng khó nuốt và hô hấp khó khăn; trực tràng mót buốt; khó khăn trong việc bài tiết nước tiểu.
Phòng chống bệnh giang mai?
Để phòng ngừa mắc bệnh giang mai ở nam giới, mỗi người hãy tự ý thức:
- Xây dựng lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng.
- Thực hiện hành vi tình dục an toàn, có biện pháp bảo vệ (sử dụng bao cao su)
- Khi phát hiện bị bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay, không được tự ý mua thuốc điều trị.
Lưu ý: Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh cần phải phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu bị bệnh trong khi mang thai. Cần làm các phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các chị em phụ nữ có thai.
Trên đây là một số kiến thức cơ bản giúp bạn nhận viết và phòng ngừa căn bệnh lây truyền qua đường tình dục – giang mai. Hy vọng, bài viết đã cung cấp thêm thông tin bổ ích đối với các bạn đọc.